Thứ Năm, 1 tháng 11, 2007

PHỒN THỰC

Ánh mặt trời đa dâm,
Hôn mãi bầu vú tròn...
Trái Đất...
Vắng rừng xanh...
...Trần trụi...!
Nhật thực không e ngại...!
Đắp chăn đêm ân ái Chị Hằng...!

Bởi sinh tồn Âm Dương...
Lẽ đời là như thế...
Anh yêu Bà Nữ Oa!!!
Em tìm Ông Tứ Tượng!!!

Hỏi cây Chò Chỉ cao muôn trượng!
Rễ đời bắt từ đâu???
Mong tình yêu đôi lứa...
Hoá rừng xanh mai sau!!!

Đêm nay...
Ôm em trong đêm sâu...
Hôn em cái hôn của ngàn ngày...
Nụ hôn mong mỏi của rừng xanh...
...Phồn thực!!!

Nguyễn Hạnh

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2007

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2007

TỨ HẢI QUÁN

Tứ Hải quán


Những giây phút thư giãn thú vị tại Tứ Hải quán.


Bài trí độc đáo trong
Tứ Hải quán.


Phút thư giãn của ông chủ Tứ Hải quán.

Quán Tứ Hải (quận Tây Hồ – Hà Nội) là sự kết hợp hài hòa của những ngôi nhà lá theo hệ thống liên hoàn, mang đậm dấu ấn của làng quê xưa, điểm đến cho những ai muốn thưởng thức nét độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực của Việt Nam.

Một trong những điểm nhấn cơ bản trong quần thể kiến trúc của quán Tứ Hải là nhà nghỉ được làm bằng tre, gỗ, lợp cói khô, lối kiến trúc đặc trưng của làng Việt cổ: Thổ Hà, Đường Lâm... Bất cứ ai đã từng đặt chân đến Tứ Hải quán đều cảm nhận được là vẻ thanh bình, dân dã với những giây phút thư giãn thú vị, điều khó có thể tìm thấy ở chốn đô thị bụi bặm và ồn ã. Nơi đây đã là địa chỉ quen thuộc của nhiều nhóm anh em, bạn bè tụ họp ngày nghỉ cuối tuần, hay những người làm ăn xa xứ lâu ngày, tìm lại những nếp nhà lá, những bữa cơm quê thân quen thuở nào thưởng thức những làn quan họ Bắc Ninh duyên dáng, hay một khúc ca trù, một tích chầu văn... đưa con người vào chút hư ảo.

Tại Tứ Hải quán, khách hàng được thưởng thức những món ăn dân tộc được làm theo đúng cách truyền thống, cùng với hàng chục loại rượu dân tộc cổ truyền. Là người tinh thông y lý, biết bốc thuốc chữa bệnh, anh Trịnh Vân Hải, chủ nhân của Tứ Hải quán đã lang thang khắp các phố Lãn Ông, Thuốc Bắc, nơi chuyên bán dược liệu đông y đưa về những thang thuốc đã đóng đủ vị, tạo ra những bình rượu thuốc độc đáo giúp bồi bổ sức khỏe và có hương vị khó quên.

Chẳng phải là một thú chơi ngông, mọi người nhìn vào Tứ Hải quán, có thể thấy nó rất lớn nhưng đó chưa phải là tất cả dự định mà Hải ấp ủ. “Tôi đã đầu tư rất nhiều thời gian, trí tuệ vì quan trọng là cái tâm và tình yêu đối với nghệ thuật truyền thống. Làm như vậy, trước tiên là mình được hưởng, được cùng bạn bè khắp cả nước, rồi cả người nước ngoài cũng đến đây và chia vui với tôi, đó là niềm hạnh phúc” – anh Hải tự hào.

Tứ Hải quán có khuôn viên trên 600 m2, luôn mở cửa đón bất cứ ai. Chủ quán Trịnh Vân Hải sẵn lòng đón bạn bè về ngao du, sẵn lòng tự tay nấu những bữa cơm đãi khách, chuyện trò cho khách luôn cảm thấy gần gũi thân tình. Anh Hải còn đón các văn nghệ sĩ ăn ở tại đây để sáng tác, bằng một lòng hào phóng và đôn hậu. Nhiều khi anh đi lại phục vụ hăm hở như một nhân viên thực thụ, người lạ không ai nhận ra anh là chủ, cứ theo thói thường dõi mắt tìm một ông chủ quán Tứ Hải nào đó.


Một Tứ Hải quán giữa Hà thành mang đậm hồn quê.



Bài: Trí Công Ảnh: Thành Đạt

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2007

Khúc ưu tư số I

Mưa rơi rơi hay đôi hàng lệ lá
Giọt giọt âm thầm cho mặt đất nhớ mong!?
Mưa rơi rơi hay đôi hàng xuyên tim lá?!
Đỏ máu thu tê tái cánh lòng!!!

Đã bao đêm mưa rơi theo tình sử...
Tim lá vàng gió bão cuốn trôi...
Để từng thu là từng lần lá úa,
Cho lá xanh giấu vị đắng trên môi!!!

Nguyễn Hạnh

Gà - Vị thuốc bổ

Sách Y Tông Tâm Lĩnh ghi:

HÙNG KÊ NHỤC là thịt gà Trống: Không độc, ngọt ôn, động khí phong, Bổ trung, điều Vinh cùng dưỡng Vệ. Yên thai nối xương, tê dại thông.

THƯ KÊ NHỤC là thịt gà Mái: Vị chua, khí bình không độc mấy, Trừ thấp, phong hàn, bổ Ngũ lao, Bị thương, gẫy, tích khối, băng đới.




Như vậy qua đó ta thấy gà là một loại thịt rất bổ, phòng chống được chúng Ngũ Lao tức là chứng lao của năm tạng Tâm, Can, Tỳ, Thận, Phế thế cho nên có rất nhiều món ăn bài thuốc được chế biến từ gà:


Gà ác tiềm thuốc Bắc :


Gà ác nhỏ, lông trắng nhưng da ,thịt, xương đều đen thuộc giống Gallus bankiwa, máu đỏ hơn gà thường, chứa nhiều lysin. Theo Nam Dược Thần Hiệu thì xương gà ác vị ngọt, tính bình không độc, chữa hư nhược, phụ nữ băng huyết, bạch đới, đau bụng và trẻ em đi lị, không ăn được. Thịt gà ác được ưa chuộng vì bổ dưỡng, thường dùng cho người suy nhược, dưỡng bệnh, sản phụ mới sinh, hầm chung với toa thuốc bắc bổ dưỡng (hoài sơn, sinh địa, sâm, táo tàu...). Nếu kết hợp với tam thất, mật ong thì nó trở thành một món ăn bổ dưỡng không kém gì nhân sâm.

Thịt gà ác giàu axit amin, canxi, photpho, sắt, protid, lipid. Trứng tuy nhỏ nhưng tỷ lệ lòng đỏ cao đến 34%. Thịt gà ác trị thận suy, đau lưng, ra mồ hôi trộm, chân tay yếu mỏi,rất tốt cho người mới ốm dậy, phụ nữ sau khi sinh.

Gà dùng làm thuốc :

Món gà ác chưng ngũ vị (hạt sen, đại táo, đậu ván trắng, hoài sơn, mộc nhĩ) là món ăn phối hợp các chất bổ dưỡng, mạnh tì vị, giúp ăn ngon, giúp người suy nhược nhanh hồi phục .Trong đó, gà ác là nguồn protein lành, không gây dị ứng; hạt sen dưỡng tâm, bổ tì, cố tinh, trị mất ngủ, suy nhược cơ thể. Đại táo bổ dưỡng, ích khí, tồn thần, tiêu viêm, điều hòa các vị thuốc khác. Hoài sơn thanh nhiệt, ích thận, giải độc. Đậu ván trắng tức bạch biển đậu bổ tì vị, giải nhiệt trị biếng ăn, giải độc.

Gà ta bổ dưỡng hơn gà công nghiệp vì được nuôi thả, thường xuyên hoạt động nên cơ bắp săn chắc. Gà thả rong thường bới đất kiếm ăn, có được những chất cần thiết cho sự phát triển như sinh tố, khoáng chất...
Trứng gà:


KÊ TỬ THỰC gọi quả trứng gà,
Ngọt mà không độc, tính điều hoà.
Giã độc, bổ trung, tiêu chữa lị,
Yên thai, tê dại, mụn ngoài da.


Lòng đỏ trứng chứa nhiều vitamin B1, B2, PP, A, D. Trong một quả trứng, lượng vitamin D gấp 3 nhu cầu hằng ngày. Nhược điểm của lòng đỏ trứng là giàu cholesterol, gây xơ vữa động mạch, dẫn đến cao huyết áp hoặc tai biến mạch máu não. Đậu phụ chứa lexitin chống hình thành cục máu đông nên làm giảm tác hại của cholesterol. Cà chua có các chất chống oxy hóa, ngăn cản sự xơ vữa thành mạch và chống lão hóa, làm giảm các bệnh tim mạch. Hai thành phần này vừa làm tăng tác dụng bổ dưỡng của trứng gà vừa làm giảm tác dụng phụ do trứng mang lại.


Một loại thuốc bổ được chế tạo từ tinh chất gà đã xuất hiện trên thị trường với tính chất chống viêm và chống sự xâm nhiễm của virus. Nó được gọi là Essence of chicken, kích thích hệ miễn nhiễm, tăng cường khả năng phòng bệnh cho cơ thể chống lại cảm cúm, các bệnh nhiễm khuẩn khác, đồng thời làm giảm chứng huyết áp cao và ngăn chặn bệnh xơ vữa động mạch liên quan đến tuổi tác. Cách đây vài thập niên, thuốc bổ bào chế từ phôi trứng gà cũng rất được ưa chuộng.

Nguyễn Hạnh (Sưu tầm).

Cái Bình Vôi

Theo tín ngưỡng dân gian lâu đời của người Việt cổ, Cái Bình Vôi là hiện thân của ông thần giữ của và khi người ta không dùng nữa thường treo chúng ở gốc đa hay cạnh những ngôi đền.


Có người kể cái Bình Vôi lại là hậu thân của một nhà sư độc ác bị cành đa đâm thủng bụng. Theo đó thì miệng bình là chỗ bị cành đa đâm thủng và chìa vôi là cành đa. Hình dáng phình to tượng trưng cho thân thể bị chương sình. Chất vôi cay nồng nhồi trong bình được coi như lòng cay nghiệt thù oán của kẻ tu hành. Màu đỏ của trầu quệt trên miệng Bình Vôi là máu loang ở vết thương thấu tim gan và nhà sư hoá kiếp như thế là để đời đời kiếp kiếp phải bị người đời khoét khoáy tận ruột tận lòng cho xót xa đau đớn. Cũng theo tín ngưỡng đó thì mỗi lần thay Bình Vôi mới, người ta đem chúng ra bỏ ở các gốc cây đa. Cũng có nhà để lên bàn thờ một cách tôn kính hoặc có khi Ông Bình Vôi lại được đem thờ bằng cách đem đặt trên các tường ở đình hoặc chùa.
Loại qua cách giải thích theo tín ngưỡng nhà Phật thì Bình Vôi được coi là một Bà Chúa, tượng trưng cho uy quyền của bà chủ, liên quan đến phụ nữ trong nhà. Điều này thể hiện rõ ở bà mẹ chồng khi con dâu về nhà liền mang Bình Vôi tạm lánh ra ngoài ngõ, có nghĩa là tạm lánh mà vẫn nắm giữ Bình Vôi, tức uy quyền Bà chủ.
Những nơi nào có tục ăn Trầu đều có Bình Vôi. Nước ta khắp nơi đều có tục đó, cho nên sự xuất hiện của chúng là rất phổ biến.
Thường có hai loại Bình Vôi, đều được nặn bằng đất nung. Một thứ giống như cái hũ nhỏ, cổ thắt lại, miệng loa ra và một thứ tròn, có quai xách là nơi đôi khi có đeo một lưỡi dao để rọc dầu, có miệng về một bên. Ở chỗ miệng đó, mỗi lần cho vôi vào, còn gọi là “ Cho Ông Bình ăn”, các bà ăn Trầu lâu lâu lại đắp thêm vôi vào, cho nên cứ càng ngày trông càng dẩu ra như bị ăn vả vậy.Để cho ông Bình ăn, người ta dùng cái chìa vôi nhét vào miệng. Cái chìa vôi thường làm bằng tre, cũng có chìa vôi làm bằng sắt. Có người bảo cái chìa vôi đó mỗi tối nhất thiết phải rút ra để một nơi vì như thế trong lúc ngủ Ông Bình Vôi mới có miệng mà báo mộng cho mình, nếu không làm như thế thì cái chìa vôi lấp mất cái miệng thì không mách được. Bình Vôi xưa có màu lục hay màu vàng, nâu hay được tráng men xanh trắng, cũng có lúc để mộc như gạch. Ngày nay bên Bát Tràng, những Bình Vôi được tráng men xanh đỏ tím vàng sặc sỡ, loè loẹt.
Ngoài hai loại bình vôi trên, người ta còn thấy sự xuất hiện của những Ông Bình Vôi hình quả cau, hình trứng, hình con vịt, tắc kè, kỳ đà…với nhiều chất liệu đa dạng như sành, đá, đặc biệt là bằng đồng thau. Đó chính là những đồ vật rất quí và hiếm còn sót lại cho tới ngày nay. Tuy nhiên chúng chưa phải là những Ông Bình Vôi cổ nhất.
Theo các chuyên gia, những chiếc Bình Vôi đơn giản nhất lại là những hiện vật lâu đời nhất. Đó là những bình bằng đất sét nung cỡ nhỏ, tay cầm là một cành cây nằm vắt qua miệng bình, có đầu nhọn được chạm trổ đồ án hình quả cau hoặc hình rồng. Không biết chúng đã ra đời từ lúc nào cho nên từ đó điều cần thiết là phải có một đội ngũ chuyên viên nghiên cứu nghiêm túc tham gia trong việc truy nguyên những kho báu im lặng này.Như đã có một nhà sưu tầm Bình Vôi cổ đã từng bộc bạch: “…sưu tầm đồ cổ, bình vôi cổ là sưu tầm lịch sử, tìm về với lịch sử, về với bản sắc văn hóa dân tộc và cũng là tìm về với lịch sử của chính bản thân mình...”, việc tiến hành đào sâu nghiên cứu sẽ là chìa khoá mở ra nhiều tư liệu lịch sử nói riêng và KHXH nói chung vô cùng quý giá.
Để kết thúc bài này xin dẫn lại câu trong một bài báo: “ Với nhiều loại bình vôi, niên đại và nơi sản xuất vẫn đang còn là một dấu hỏi”.

Nguyễn Hạnh